Trước đây, để đến được thị xã Bến Tre (nay là TP. Bến Tre), bạn phải nhờ đến phà, đó là phà Rạch Miễu, Hàm Luông và Cổ Chiên. Chiều rộng của ba con sông cùng tên hơn 6km. Cầu Rạch Miễu và Hàm Luông đã được xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều năm qua và khát vọng trăm năm của nhân dân hai tỉnh Bến Tre - Trà Vinh về một chiếc cầu nối nhịp đôi bờ cũng sắp thành hiện thực.
Cầu Cổ Chiên được Bộ Giao thông vận tải cùng hai tỉnh Bến Tre - Trà Vinh khởi công xây dựng vào ngày 2/8/2013. Khi hoàn thành, cầu sẽ nối liền giao thông huyết mạch trên Quốc lộ 60, tuyến từ TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) đi qua TP. Bến Tre, nối liền thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam) với TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Ba cây cầu này đều nằm trên Quốc lộ 60, hình thành tuyến đường giao thông thuận tiện cho hướng từ Trà Vinh đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, giảm được nhiều áp lực giao thông ngày càng lớn trên tuyến Quốc lộ 1A, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội cho Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bến Tre, cho biết: Dự án cầu vượt sông Cổ Chiên bao gồm cầu chính và cầu dẫn ở hai phía Bến Tre và Trà Vinh, điểm đầu tại lý trình 9 + 715.4 (đuôi mố A0) trên cồn Thành Long, thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre; điểm cuối tại lý trình 11 + 314.5 (đuôi mố A29) thuộc địa phận xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Tổng chiều dài cầu tính đến đuôi mố: 1.599,1m. Tổng mức vốn đầu tư 2.308,735 tỷ đồng; trong đó phần vốn BOT trên 1.264,3 tỷ đồng, phần vốn ngân sách nhà nước trên 1.044,3 tỷ đồng. Ban Quản lý Dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Tính đến ngày 15/9/2014, nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (đơn vị từng thi công cầu Sài Gòn 2) đã hoàn thành 88% số cọc khoan nhồi D1500 và đã thi công xong 99/112 cọc phần nhịp dẫn. Cọc khoan nhồi D1800 phần nhịp chính đã hoàn thành 100% công việc (80/80 cọc). Còn nhà thầu Công ty Thi công Cơ giới 1 (MCC1) đã hoàn thành 100% công việc đóng cọc khoan nhồi D1500 phần nhịp dẫn (54/54 cọc). Sản xuất dầm Super T đã hoàn thành 100% khối lượng công việc (49/49 phiến). Tổng giá trị sản lượng đạt 811,99 tỷ/1.401,79 tỷ đồng. Các nhà thầu đã đảm bảo tiến độ thi công tại các nhịp chính và vượt tiến độ thi công phần các nhịp dẫn.
Cầu Cổ Chiên đang thi công tại thời điểm tháng 9-2014. Ảnh: Chính Hạnh
Thời gian thi công cầu vượt sông Cổ Chiên đến nay đã qua 13/24 tháng. Công tác tư vấn, kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ, tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án. Các hạng mục của công trình đã hoàn thành đều đảm bảo chất lượng. Công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường được thực hiện nghiêm túc. Nhờ quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư với Công an hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, công tác an toàn giao thông thủy và an ninh trật tự tại công trường luôn được đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệu - Trưởng Tư vấn giám sát công trình cầu Cổ Chiên, hiện tại, một số hạng mục có thể chậm tiến độ một ít thời gian, vì phần thi công lắp ráp dầm Super T cả hai nhà thầu đều chưa thể triển khai ngay được, do gói cầu cao su bản thép nhà thầu phải nhập về từ nước ngoài dẫn đến mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ lao, lắp dầm cầu. Khó khăn nhất vẫn là vấn đề vốn. Đối với dự án thành phần 1, đến nay, nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ mới giải ngân được 150 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 50 tỷ đồng, mượn hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh mỗi tỉnh 50 tỷ đồng. Nguồn vốn BOT (vốn vay) đảm bảo bố trí kịp thời với hạn mức 688 tỷ đồng. Đối với dự án thành phần 2 (nguồn vốn ngân sách nhà nước) đã bố trí được 468 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 351 tỷ đồng, vốn địa phương chi cho công tác giải phóng mặt bằng trên 117 tỷ đồng. Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có các văn bản báo cáo, xin ứng 300 tỷ đồng vốn năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chạy đua với thời gian
Hiện nay, không khí trên công trình cầu Cổ Chiên sôi động như ngày hội. Các nhà thầu đang tập trung cao độ yêu cầu nhân lực, vật lực thi công cả ngày lẫn đêm để phấn đấu vượt tiến độ so với thời gian hoàn thành đã được phê duyệt (ngày 31/7/2015). Thời gian này đang là mùa mưa, mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng ngàn tấn sắt thép tập kết về bãi nằm ngổn ngang dưới nắng mưa sương gió sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả công trình.
Khi tận mắt nhìn thấy những công nhân đang trực tiếp lao động trên công trình này, họ thay ca vào ra trên bến dưới thuyền, với những tô mì gói, những ổ bánh mì ăn vội để tránh cơn mưa ập đến bất ngờ và kịp thời gian vào ca đêm, tôi vô cùng cảm phục. Đó chỉ là chuyện thường ngày như một quy luật tuần hoàn muôn thuở của những công nhân và kỹ sư cầu đường. Nhưng, sự giản dị ấy luôn để lại những ấn tượng đẹp khó quên trong lòng người dân địa phương. Chỉ còn khoảng 10 tháng nữa là cầu Cổ Chiên sẽ được khánh thành, công việc của hàng ngàn công nhân và kỹ sư sẽ về tới đích. Và, khát vọng bấy lâu của nhân dân hai tỉnh Trà Vinh - Bến Tre về một chiếc cầu sẽ trở thành hiện thực.
Theo Báo Bến Tre