Ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội kiểm tra hiện trường khu vực dự kiến thi công cầu Đại Ngãi. Ảnh: Phan Tư
|
Cầu Đại Ngãi giúp dân Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP.HCM rút ngắn 72km
Sáng 5/9, ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác Quốc hội đã đi kiểm tra khu vực quy hoạch xây dựng cầu Đại Ngãi; dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.
Ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 cho biết dự án cầu Đại Ngãi đã được nghiên cứu tổng thể, xây dựng trên QL60, nối tỉnh Trà Vinh với tỉnh Sóc Trăng. Điểm đầu giao với QL54 thuộc huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh. Điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, thuộc huyện Phong Phú tỉnh Sóc Trăng.
Cầu Đại Ngãi được xây dựng vượt sông Hậu, nằm phía hạ lưu Trung tâm nhiệt điện Long Phú, cách phà Đại Ngãi hiện tại 7,8km về hạ lưu và có một đoạn tuyến đi bằng trên Cù Lao Dung. Theo nghiên cứu, dự án chia làm hai hợp phần. Hợp phần một là cầu chính được xây dựng bằng kết cấu dây văng từ huyện Trà Cú vượt luồng Định An qua Cù Lao Dung. Hợp phần hai là cầu bê tông cốt thép nối Cù Lao Dung với Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết các tuyến quốc lộ theo trục dọc từ TP.HCM đi về ĐBSCL cơ bản đã được nối thông. Chỉ riêng tuyến QL60 từ Bến Tre về Sóc Trăng đang bị chia cắt do chưa xây dựng được cầu Đại Ngãi. Giao thông của các tỉnh phía Đông ĐBSCL rất khó khăn. Nếu hoàn thiện cầu Đại Ngãi thì người dân từ Bạc Liêu, Sóc Trăng đi về TP.HCM sẽ rút ngắn được hơn 72km so với đi QL1 hiện nay. Cùng với đó sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Theo nghiên cứu tổng nguồn vốn đầu tư cho hai hợp phần cầu này khoảng 8.400 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư cho phần đường khoảng 1.100 tỷ đồng. Các tuyến quốc lộ xung quanh Trà Vinh đã được đầu tư theo hình thức BOT nên việc đầu tư cầu Đại Ngãi theo hình thức BOT khó khả thi. Bộ GTVT đang nghiên cứu đề xuất sử dụng vốn ODA.
Ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng cầu Đại Ngãi là dự án hết sức quan trọng cần được ưu tiên số 1 để đầu tư sớm nhằm nối thông QL60 với tổng nguồn vốn khoảng 9.200 tỷ đồng. Dự án này sẽ dùng vốn ODA, không dùng BOT, vì hiện quanh Trà Vinh đã nhiều trạm thu phí. Ưu tiên số 2 là mở rộng QL53 đoạn từ Trà Vinh đi Duyên Hải. Mục tiêu các dự án không chỉ là phục vụ tỉnh Trà Vinh mà kết nối các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL. Ông Hiển đền nghị Bộ GTVT cùng tỉnh Trà Vinh lập báo cáo sớm trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10/2016 để đưa vào bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Những chiếc tàu biển trên 5.000 tấn đã chở than ra vào luồng sông Hậu để cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.
Ảnh: Phan Tư
|